Wednesday, 29/11/2023|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cù Lao Dung
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiến thắng Rạch Già

CHIẾN THẮNG RẠCH GIÀ...
CHIẾN THẮNG RẠCH GIÀ
(Ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng)
 
          Địa điểm trận chiến thắng Rạch Già tọa lạc tại vàm Rạch Già, ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng; cách trung tâm tỉnh Sóc Trăng khoảng 35 km về hướng Đông - Đông Nam và cách trung tâm huyện Cù Lao Dung khoảng 3km về hướng Tây - Tây Bắc. Cụ thể: Phía Đông giáp khu dân cư, phía Tây giáp lộ giao thông nông thôn Rạch Già, phía Nam giáp khu dân cư, phía Bắc giáp sân Trường Tiểu học Rạch Già.

        Du khách có thể đi đến di tích chiến thắng Rạch Già bằng 2 tuyến đường bộ là thuận tiện nhất. Từ trung tâm tỉnh Sóc Trăng (Bưu điện tỉnh) bằng phương tiện mô tô đi trên Quốc lộ 68 theo hướng Đông - Nam khoảng 20km đến bến phà Đại Ngãi, xuống phà vượt sông Hậu sang cù lao, từ đây tiếp tục đi theo hướng Đông khoảng 10 km rồi rẽ phải theo đường lộ bê tông khoảng 3 km nữa là đến di tích. Từ trung tâm tỉnh Sóc Trăng (Bưu điện tỉnh) bằng phương tiện mô tô đi trên Huyện lộ 6 theo hướng Đông - Nam khoảng 17km đến thị trấn Long Phú, rồi rẽ trái khoảng 3km đến bến phà Đại Ân 1, xuống phà vượt sông Hậu sang cù lao, từ đây tiếp tục đi theo hướng tây khoảng 5 km rồi rẽ trái theo đường lộ bê tông khoảng 3 km nữa là đến di tích.
http://soctrang.edu.vn/dtlsst/image023.jpg
                             Bia tưởng niệm chiến thắng Rạc Già.           

           Cù Lao Dung là một huyện cực Đông của tỉnh Sóc Trăng, trầm lặng nằm soi mình giữa dòng sông Hậu thơ mộng, với hai cửa Định An và Trần Đề đổ ra biển Đông. Từ xa xưa nơi đây không những nổi tiếng về một vùng cù lao xum xuê cây trái và sông, biển lắm cá nhiều tôm, mà còn nổi tiếng về truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường bất khuất. Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, mỗi tên đất tên làng nơi đây đều mang trong mình những giá trị lịch sử thần kỳ như Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở An Thạnh Nhứt. Chiến thắng Rạch Già ở An Thạnh Nhì gắn liền với chiến công oanh liệt của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Sơn Ton và bài ca “Du kích Long Phú” bất hủ của cố nhạc sĩ Quốc Hương bài hát đã đi vào lòng nhân dân Việt Nam như một biểu tượng tuyệt vời về phong trào chiến tranh du kích.

           Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân xã An Thạnh Nhì nói riêng và các xã Cù Lao Dung nói chung, đã chịu biết bao gian lao khổ cực, đóng góp nhiều công sức, máu xương cho sự nghiệp kháng chiến giải phóng quê hương, giải phóng dân tộc, góp phần quan trọng đi đến thắng lợi cuối cùng.

          Ngót gần sáu mươi năm qua, không riêng gì nhân dân các xã vùng Cù Lao Dung - Long Phú, nhân dân tỉnh Sóc Trăng, mà đến người dân cả nước đã nghe và quen thuộc giai điệu và lời bài ca “Du kích Long Phú” với tiếng hát hùng tráng của cố nhạc sĩ nhân dân Quốc Hương. Lời bài ca có đoạn:
 Ai về Cù Lao Dung
 Nhớ ghé viếng Rạch Già
 Nhớ về An Thạnh Nhất
 Hỏi Tây chết mấy thằng”

           Lời bài ca ấy đã chứng minh cho vùng đất Cù Lao Dung với những con người hiếu khách nhưng cũng cần cù trong lao động và dũng cảm trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Qua cuộc kháng chiến lần thứ nhất chống thực dân Pháp lập chiến công giết Tây, đến cuộc kháng chiến lần thứ hai đánh đuổi đế quốc lại nêu cao thành tích diệt Mỹ - Ngụy. Nếu như trong cuộc kháng chiến chống Pháp, xã An Thạnh Nhì là căn cứ địa của Tỉnh ủy, của Ủy ban hành chánh kháng chiến tỉnh Sóc Trăng, thì trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước người dân vùng Cù Lao Dung cũng từng đùm bọc và nuôi chứa cho biết bao cán bộ, chiến sĩ cách mạng ở những thời điểm khó khăn, ác liệt nhất.

            Xã An Thạnh Nhì là vùng căn cứ của Tỉnh ủy những năm đầu kháng chiến và cũng là căn cứ của Huyện ủy, huyện nhà Long Phú - Cù Lao Dung trong suốt 21 năm kháng chiến mãi cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Nếu trong kháng chiến chống Pháp, Long Phú - Cù Lao Dung có Anh hùng lực lượng vũ trang Sơn Ton, lừng danh với chiến thắng Rạch Già, thì đặc biệt trong chống Mỹ lại có đền thờ Bác Hồ, có anh hùng Phùng Lục Sinh, Trần Hiền Quang,… và còn biết bao tấm gương của cán bộ chiến sĩ và nhân dân vùng cù lao sông nước này đã xả thân, đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Từ những ngày Đồng Khởi năm 1960, An Thạnh Nhì đi đầu trong phong trào diệt tề điệp, phá kiềm kẹp, giải phóng xã. Đến thời kỳ Mỹ - Ngụy mở chiến dịch bình định lấn chiếm, tái chiếm,… nhân dân trong xã lại tiên phong nổi dậy bao vây bức hàng, bức rút đồn giặc. Chưa kể biết bao trận chống càn, chống đánh phá của địch, với mưu trí dũng cảm chiến đấu của các đội du kích và nhân dân trong xã để bảo vệ tài sản của nhân dân, bảo vệ vùng căn cứ cách mạng. Đó là chưa nói đến thắng lợi của bà con trong các cuộc tham gia đấu tranh chính trị trực diện với quân thù chống càn quét khủng bố, chống thảm sát và đòi các quyền dân sinh, dân chủ khác. Nhân  dân các xã vùng Cù Lao vẫn một lòng son sắt, luôn trung thành với cách mạng, kiên trì bám làng, bám đất, dũng cảm đấu tranh giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, cho đến những ngày tháng cuối của năm 1974, cùng với nhân dân các xã cù lao đánh đuổi những đồn giặc cuối cùng để giải phóng quê hương, giải phóng hoàn toàn các xã vùng Cù Lao Dung, đem lại sự bình yên cho nhân dân trước ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975.

            Đội du kích Long Phú ra đời vào những năm tháng chống thực dân Pháp xâm lược (1946) với tinh thần chiến đấu ngoan cường để bảo vệ vùng căn cứ cách mạng, bảo vệ Đảng, giúp đỡ và bảo vệ nhân dân:

        Ngày 19 tháng 12 năm 1946, chiến tranh bùng nổ và lan rộng khắp cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi nhân dân cả nước vùng lên:
“…Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên chống thực dân Pháp cứu Tồ quốc. Ai có súng cầm súng, ai có gươm cầm gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân, cứu nước. Giờ cứu nước đã đến! Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định sẽ về dân tộc ta”.
Đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Bác Hồ, dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Huyện ủy, quân dân Long Phú đã chính thức bước vào cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và tự lực cánh sinh.

           Ban cán sự Huyện ủy Long Phú xác định: vấn đề quan trọng và lớn lao của cuộc kháng chiến lúc này là xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang là vấn đề trụ cột của cuộc kháng chiến, bởi vì tại Long Phú, bọn thực dân Pháp chỉ mới khống chế được vùng đất liền, còn vùng cù lao lúc này vẫn là vùng tự do của ta, cho nên cần khẩn trương phát triển lực lượng vũ trang để chống càn quét, bố ráp vào vùng cù lao và diệt tề điệp vào thăm dò phá hoại công cuộc kháng chiến của nhân dân ta.

          Mở đầu cho cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp trên địa bàn huyện Long Phú ở thời kỳ này là những hoạt động táo bạo của lực lượng dân quân du kích, trong đó nổi bật là các trận đánh trừng trị những tên cam tâm làm tay sai cho giặc, bắn giết đồng bào. Những trận đánh tiêu biểu như vụ trừng trị tên Đốc Giỏi, Giáo Tô, Đốc Lũy, Lương Đình Giáp,… tất cả những vụ trừng trị này, du kích ta đều nhân danh tòa án cách mạng, tuyên án tử hình tại chỗ bởi những hành động phản dân hại nước của chúng. Những hoạt động táo bạo và những vụ trừng trị thích đáng bọn tay sai này đã gây một tiếng vang lớn trong quần chúng, làm cho quần chúng hả lòng hả dạ, tin tưởng ở cuộc kháng chiến nhất định thắng lợi. Còn bọn cam tâm làm tay sai cho Pháp cũng chùn tay và lo lắng cho số phận của chúng.

             Từ những thắng lợi ban đầu của lực lượng du kích huyện nhà, đồng thời cũng từ chủ trương của Ban cán sự Huyện ủy Long Phú và do yêu cầu thực tế của cuộc kháng chiến lâu dài, phải có một lực lượng vũ trang tập trung thường trực để làm nhiệm vụ bảo vệ vùng căn cứ cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, ngăn chặn các cuộc càn quét của giặc vào vùng cù lao. Cuối năm 1946 đội du kích tập trung lần đầu tiên của Long Phú ra đời. Đội du kích được hình thành gồm một số đồng chí cán bộ ở các cơ quan huyện và tuyển chọn thêm số con em những gia đình có truyền thống cách mạng. Lúc thành lập, đội du kích có khoảng trên dưới ba mươi chiến sĩ do đồng chí Võ Thành Vân làm trung đội trưởng, đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Ban quân sự huyện Long Phú, do đồng chí Đoàn Thế Trung chỉ đạo. Ngoài ra, lúc này đội du kích của xã An Thạnh Nhì cũng được thành lập, hoạt động của đội du kích xã cũng nhằm chống địch càn quét vào vùng cù lao, bảo vệ và giúp đỡ nhân dân trong xã.

           Đầu năm 1947, khi ra đời chưa được bao lâu, đội du kích Long Phú đã chặn đánh bọn Pháp khi chúng mò sang vùng cù lao lùng sục. Đặc biệt là những trận phục kích ở Rạch Già. Những thắng lợi của đội du kích Long Phú đã tạo một niềm tin ở quần chúng ở khả năng chiến đấu để bảo vệ quê hương của mình. Hoạt động chủ yếu của đội du kích Long Phú là giữ vững mối  liên lạc giữa khu Tám và khu Chín, đưa đón cán bộ và chiến sỹ Vệ Quốc đoàn trên đường dây liên lạc giữa vùng kháng chiến và vùng địch hậu, chiến đấu bảo vệ đồng bào, bảo vệ thôn ấp và mùa màng của nhân dân. Bấy giờ, trong số những chiến sĩ dũng cảm của đội du kích Long Phú lừng danh, nổi bật lên tên tuổi của đồng chí Sơn Ton người du kích quả cảm dân tộc Khmer. Với tấm lòng thương yêu nhân dân vô hạn, anh không những dũng cảm cùng các chiến sĩ du kích Long Phú chiến đấu đánh địch để bảo vệ nhân dân, bảo vệ xóm ấp mà còn nổi tiếng là một trong những du kích mưu trí, dũng cảm, ngoan cường, luôn sáng tạo ra nhiều cách đánh giặc có hiệu quả; Sơn Ton và đội du kích luôn tâm niệm một lòng vì nhân dân phục vụ, chiến đấu quên mình. Một lần, bọn Pháp mở cuộc càn quét lớn đánh vào xóm Rạch Già. Sau khi bị Sơn Ton cùng đồng đội đánh trả quyết liệt, bị thua trận nặng nề, bọn chúng đã điên cuồng bắn phá và đốt cháy nhà cửa của nhân dân tan hoang, điêu tàn, đồng chí Sơn Ton đã vào rừng tự kiếm mây, lá, cây cối về giúp đồng bào dựng lại nhà cửa, ổn định cuộc sống. Tấm gương của anh có tác dụng lôi cuốn đồng đội vào hoạt động giúp đỡ nhân dân khắc phục khó khăn. Anh là hiện thân của những chiến sĩ du kích Long Phú về tinh thần quả cảm đánh giặc và về tình yêu thương đồng bào, đồng chí.

            Qua những hành động đó, đội du kích Long Phú đã thật sự gắn bó với nhân dân, vì nhân dân chiến đấu, ngược lại nhân dân một lòng một dạ thương yêu đùm bọc du kích, cùng với du kích chiến đấu để bảo vệ quê hương, đánh bại thực dân Pháp xâm lược. Sau này, nhờ những đóng góp to lớn và tích cực trong suốt quá trình chiến đấu lâu dài và gian khổ, đồng chí Sơn Ton đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

           Diễn biến hai trận tập kích tiêu biểu tại Vàm Rạch Già: (tổng hợp từ lời tự thuật của các nhân chứng lịch sử, là những người trực tiếp tham gia các trận đánh chống càn tại Rạch Già và những cán bộ đã từng sống, làm việc tại vùng cù lao từ những năm kháng chiến 1947).

             Trận tập kích ngày 20 tháng 5 năm 1947: Ông Tiêu Văn Thiệt - nguyên Chánh văn phòng Ban quân sự huyện Long Phú năm 1947 (hiện đã nghỉ hưu, sinh sống tại ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung) và ông Bùi Văn Chẩn - nguyên Tiểu đội trưởng du kích xã An Thạnh Nhì năm 1947 (hiện đã nghĩ hưu, sinh sống tại đường Vành Đai Cổng Đỏ, Phường 3, TP. Sóc Trăng) cho biết lúc đó cơ quan Văn phòng Ban quân sự huyện Long Phú đóng ở Nhà thông tin tại Rạch Già, sau cuộc mít tinh tại Nhà thông tin mừng sinh nhật lần thứ 57 của Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1947, sáng hôm sau tại nhà Má Mười cách văn phòng khoảng vài trăm mét, các đồng chí trong Ban chỉ huy và một số chiến sĩ đội du kích được phân công đi công tác, chỉ còn lại tiểu đội tự vệ chiến đấu khoảng 10 đồng chí và đang nghe triển khai tình hình giữa ta và địch, cùng một số nhiệm vụ cấp bách sắp tới, thì nghe tiếng mõ báo động từ ngoài vàm Rạch Già, biết là địch đổ quân càn quét, ngay lập tức đồng chí Ba Tâm phụ trách tiểu đội tự vệ triển khai đội hình chiến đấu, với trang bị lúc đó chỉ có 5 khẩu súng gồm 2 khẩu Mút-ca-tông, 1 khẩu Cong-si-no, 2 khẩu súng trường Đức và 1 trái nìm do chiến sĩ Châu Văn Tỷ tự chế, còn lại là dùng dao mác và gậy gộc.

            Lúc này dân từ ngoài vàm Rạch Già chạy tản vào trong, các chiến sĩ tự vệ đã vận động ra đến Nhà thông tin, thì dân bảo các con đừng ra ngoài chúng nó đã lên bờ rồi. Biết thế nào chúng cũng mò vào để đốt phá Nhà thông tin nên đồng chí Ba Tâm phân công đồng chí Châu Văn Tỷ đặt trái mìn tự chế trong nhà thông tin và ngụy trang cẩn thận, số chiến sĩ còn lại triển khai ra bờ đê Rạch Già phục kích. Đúng như dự đoán, bọn chúng càn  vào khoảng 50 tên, tốp đi đầu vào Nhà thông tin đập phá và bứt các khẩu hiệu, băng cờ mít tinh ngày hôm trước còn đang treo, số còn lại cảnh giới bên ngoài, ngay lập tức đồng chí Châu Văn Tỷ nấp gần đó giật mìn nổ làm chết tại chỗ 4 tên, trong đó có 1 tên lính Pháp và 3 tên lính ngụy; bị đánh bất ngờ bọn lính bên ngoài hốt hoảng vừa chạy vừa bắn loạn xạ, các chiến sĩ tự vệ xung phong lên truy kích, bọn chúng rút ra ngoài vàm Rạch Già rồi lên tàu tháo chạy thoát thân, bỏ lại xác 4 tên. Trận đánh gây tiếng vang lớn, làm cho uy thế của lực lượng tự vệ chiến đấu ngày càng cao, nhân dân tin tưởng; còn bọn giặc thì run sợ mỗi khi càn quét vào xứ cù lao này.

            Trận tập kích vào năm 1948: Trước những thành tích đã đạt được trong chiến đấu và bảo vệ nhân dân, cùng với sự lớn mạnh của lực lượng du kích tập trung và du kích các xã vùng cù lao; đồng thời cũng do yêu cầu hoạt động ngày càng mở rộng trên địa bàn toàn huyện. Ban cán sự Huyện ủy Long Phú quyết định thành lập Trung đội Địa phương quân của huyện do đồng chí Đoàn Thế Trung trực tiếp chỉ huy.

           Thành lập không bao lâu, khoảng cuối tháng 9 năm 1948 nhân kỷ niệm ngày Nam bộ kháng chiến, được tin báo của quần chúng là bọn Pháp sẽ tổ chức một cuộc càn lớn để đánh vào căn cứ quân sự của ta đang đóng tại Rạch Già. Trước tình hình đó, được sự đồng ý của Ban cán sự Huyện ủy, Đồng chí Đoàn Thế Trung chỉ đạo Trung đội địa phương quân kết hợp với lực lượng du kích xã An Thạnh Nhì, đồng chí Sơn Ton cùng đồng đội đốn bần sóc cừ dưới lòng sông Rạch Già và bố trí thủy lôi tại đây; đồng thời triển khai đội hình phục kích chúng. Sáng hôm sau 3 chiếc tàu chiến của Pháp được trang bị vũ khí hiện đại, từ Đại Ngãi càn qua vùng cù lao, chúng bắn vu vơ từ ngoài bờ sông Hậu, rồi rẽ vào vàm Rạch Già, tàu của bọn chúng ung dung tiến vào trong rạch, khi chiếc tàu đi đầu chạm bãi cọc bần dưới lòng sông thì đồng chí Sơn Ton cho nổ thủy lôi, đồng thời các chiến sĩ du kích được bố trí trên bờ Rạch Già bắn quyết liệt vào đội hình tàu của địch. Bị tấn công quá bất ngờ, hai chiếc tàu đi sau bắn trả rất quyết liệt vào đội hình của ta, để kéo chiếc đi đầu cùng rút lui ra ngoài vàm Rạch Già và chạy thoát thân về Đại Ngãi. Kết thúc trận phục kích thắng lợi, về phía ta bị thương nhẹ 2 chiến sĩ, bọn chúng chết tại chỗ 3 tên Pháp và 7 tên lính ngụy, bị thương trên 10 tên.

             Ngoài hai trận tập kích tiêu biểu trên tại Rạch Già thì trong suốt thời kỳ kháng chiến nơi đây còn nhiều trận chống càn quét khác của du kích xã An Thạnh Nhì và các đơn vị tự vệ chiến đấu của huyện Long Phú. Từ những thành tích thắng trận vang dội trên, nhạc sĩ Quốc Hương đã sáng tác bài “Du kích Long Phú” với những lời ca hùng tráng đi vào lòng người như tinh thần quả cảm của những chiến sĩ du kích năm xưa xứ cù lao. Ngày 10/01/2008 theo Quyết định số 12/QĐTC-CTUBND tỉnh Sóc Trăng công nhận địa điểm chiến thắng Rạch Già, Ấp Phước Hoà, thị trấn Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.

             Chiến thắng Rạch Già là một mốc son chói lọi đi vào trang sử tỉnh nhà, là một minh chứng hùng hồn, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ thanh niên hôm nay và mai sau hiểu biết thêm về cuộc chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ mà anh dũng của các thế hệ cha anh trong sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước - mà các anh hùng chiến sĩ đội du kích Long Phú là một trong những tấm gương tiểu biểu đó.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng, tập I (1930 - 1954), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng, 1994.
2. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng, tập I (1930 - 1954), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng, tái bản lần thứ nhất, 2002.
3. Truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Long Phú tỉnh Hậu Giang, tập I (1930 - 1954), Ban Tuyên giáo Huyện ủy Long Phú, 1998.
4. Lược sử 30 năm kháng chiến của lực lượng vũ trang tỉnh Sóc Trăng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sóc Trăng, tháng 11/1993.
5. Tài liệu báo cáo đầu tư xây dựng công trình: Khu tưởng niệm chiến thắng Rạch Già, xã An Thạnh Nhì - huyện Long Phú, Phòng VHTT – TT Long Phú, 2000.
6. Tài liệu lý lịch di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia: Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã An Thạnh Nhì - huyện Long Phú, tháng 12/1998.
 
NHÂN CHỨNG LỊCH SỬ
1. Ông Sơn Ton - sinh năm 1932, anh hùng LLVTND Việt Nam, nguyên là chiến sĩ du kích Long Phú năm 1947.
2. Ông Bùi Văn Chẩn (Năm Chẩn) - sinh năm 1930, nguyên là Tiểu đội trưởng du kích xã An Thạnh Nhì, 1947.
3. Ông Tiêu Văn Thiệt - sinh năm 1926, nguyên là Chánh văn phòng Ban quân sự huyện Long Phú năm 1947.
4. Ông Lê Hoàng Minh - sinh năm 1932, nguyên Huyện đội trưởng huyện Long Phú.
5. Ông Nguyễn Thanh Nhã - sinh năm 1927, nguyên Chủ tịch hội Cựu chiến binh huyện Cù Lao Dung.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Thư viện ảnh
Tài liệu
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2
Hôm qua : 34
Tháng 11 : 865
Tháng trước : 1.080
Năm 2023 : 10.520
Năm trước : 29.873
Tổng số : 68.345