Wednesday, 29/11/2023|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cù Lao Dung
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (Đền thờ Bác Hồ)

ĐỀN THỜ CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (ĐỀN THỜ BÁC HỒ)...
ĐỀN THỜ CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (ĐỀN THỜ BÁC HỒ)
Ấp Nguyễn Công Minh, xã An Thạnh Nhì, huyện Long Phú (Cũ) nay là xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng
          Đền thờ có tên gọi chính thức là đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và gọi một cách phổ biến trong nhân dân là đền thờ Bác Hồ.

         Đền thờ Bác Hồ tọa lạc tại xóm 6, ấp Nguyễn Công Minh, xã An Thạnh Nhì, huyện Long Phú (cũ) nay là xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Đền nằm trên một mảnh đất bồi được san lấp bằng phẳng, tại thửa số 875 (theo bản đồ của Sở Địa Chính), có diện tích 6.678 m2 (0,668 ha). Cách UBND xã An Thạnh Nhì 5,5 km đường bộ, trên 6 km đường sông. Cách thị trấn Long Phú 13,5 km đường sông (đường vòng) khoảng 8 km đường chim bay. Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Trà Vinh (cách con sông Định An), Nam và Đông Nam giáp xã Đại Ân I; Tây và Tây Bắc giáp sông Bến Bạ, chợ xã An Thạnh Đông. Đền thờ nằm trong toạ độ (chệch trung tâm về hướng Đông): từ 90 độ 29'' đến 90 độ 44'' vĩ độ bắc và 106 độ 00'' đến 107 độ 00'' kinh Đông.
Từ thành phố Sóc Trăng đến đền thờ Bác, có thể đi bằng hai con đường: Theo hương lộ 06 (đường Long Phú) 18 km thì tới thị trấn Long Phú qua phà Đại Ân là tới Cù Lao Dung; hoặc theo Quốc lộ 60 đến Đại Ngãi, qua Cù Lao Dung đều đến nơi rất thuận tiện.

          Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân xã An Thạnh Nhì nói riêng và Cù Lao Dung nói chung, đã chịu biết bao gian lao khổ cực, đóng góp nhiều công sức, máu xương của mình cho sự nghiệp kháng chiến, góp phần đi đến thắng lợi cuối cùng.

            Nếu trong cuộc kháng chiến chống Pháp, xã An Thạnh Nhì là căn cứ địa của Tỉnh uỷ, của Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh Sóc Trăng thì trong cuộc kháng chiến chống Mỹ người dân Cù Lao Dung cũng từng nuôi chứa đùm bọc biết bao nhiêu cán bộ cách mạng ở những thời điểm khó khăn, ác liệt nhất. Xã An Thạnh Nhì cũng là vùng căn cứ của Tỉnh uỷ những năm đầu cách mạng và căn cứ của huyện ủy suốt 21 năm, cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Nếu trong kháng chiến chống Pháp, địa danh Long Phú có anh hùng Sơn Tol, thì trong kháng chiến chống Mỹ có anh hùng Phùng Lục Sinh, Trần Hiền Quang… và còn biết bao tấm gương của cán bộ chiến sĩ và nhân dân vùng cù lao sông nước này đã xả thân, đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng quê hương. Từ những ngày đồng khởi năm 1960, An Thạnh Nhì vùng lên diệt tề điệp phá kềm, giải phóng xã; đến thời Mỹ nguỵ tiếp tục chống bình định lấn chiếm, tái chiếm…nhân dân trong xã lại nổi dậy bao vây bức hàng, bức rút đồn giặc. Chưa kể biết bao trận chống càn, chống đánh phá của địch, với mưu trí dũng cảm chiến đấu của các đội du kích và nhân dân trong xã để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, bảo vệ vùng căn cứ cách mạng. Đó là chưa nói hết thắng lợi của bà con trong các cuộc tham gia đấu tranh chính trị trực diện với quân thù chống càn quét khủng bố, chống thảm sát và đòi các quyền dân sinh, dân chủ khác. Một lòng son sắt, luôn kiên trung với cách mạng, kiên trì đấu tranh giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, những chiến công vang dội, cho đến những tháng cuối năm 1974, rượt đuổi những đồn giặc cuối cùng để giải phóng xã nhà, giải phóng hoàn toàn các xã vùng Cù Lao Dung, đem lại sự yên bình cho nhân dân trước ngày giải phóng miền Nam.

           Giữa lúc kháng chiến của quân dân miền Nam nói chung, của dân Long Phú và Sóc Trăng nói riêng đang hồi đọ sức quyết liệt với kẻ thù. Tình thế cách mạng ở các vùng cù lao gặp phải vô vàn những khó khăn, thì một tin buồn ập tới: Bác Hồ, vị cha già của dân tộc Việt Nam đã lâm bệnh và đột ngột từ trần. Sự kiện mất mát đau thương to lớn này đến với nhân dân Sóc Trăng, Long Phú và nhân dân An Thạnh Nhì là một nỗi đau không gì bù đắp được. Là những người dân ở vùng sông nước cù lao, lại là vùng kháng chiến mang ơn Đảng, ơn Bác Hồ, coi Bác Hồ là vị cha già dân tộc, nhân dân coi nỗi đau mất Bác như là nỗi đau của chính mình. Huyện uỷ, mặt trận giải phóng dân tộc huyện, dân quân xã An Thạnh Nhì cũng như đồng bào, chiến sĩ vùng đất này đã tổ chức ngay cuộc lễ truy điệu Bác Hồ để chịu tang Người. Tại cuộc lễ này có hàng ngàn người đến dự, đồng chí bí thư huyện ủy đọc bài điếu văn nói về công ơn trời biển của Người và kêu gọi đồng bào, cán bộ chiến sĩ hãy biến đau thương thành hành động cách mạng. Sau lời tuyên thệ và quyết tâm đó, đã có hàng trăm ý kiến yêu cầu lãnh đạo huyện, xã cho nhân dân lập ngay một đền thờ trên đất Cù Lao Dung này để ngày đêm tưởng nhớ và phụng thờ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

          Xét yêu cầu, nguyện vọng tha thiết và vô cùng chính đáng của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân cù lao, một cuộc họp Ban chấp hành huyện ủy mở rộng vài ngày sau đó để bàn việc đối phó với âm mưu của địch đang lợi dụng lúc tình thế đau buồn của ta hòng ra sức đánh phá.

         Trong cuộc họp này, huyện uỷ đã cho hội nghị biết là trước đó đã có thỉnh thị và được tỉnh uỷ đồng ý và nhấn mạnh: “Việc lập đền thờ Bác Hồ là một việc làm có ý nghĩa thiêng liêng, phù hợp với tập tục và đạo lý Việt Nam, nói lên tấm lòng tôn kính của người dân miền Nam đối với Bác.

         Điều quan trọng việc lập đền thờ đã khó, nhưng việc gìn giữ bảo vệ được đền thờ lại là chuyện khó khăn hơn. Cuối cùng hội nghị thống nhất giao cho xã ủy An Thạnh Nhì vận động quyên góp tiền bạc, phương tiện vật liệu và khởi công xây dựng đền thờ Bác. Làm thế nào ngày sinh nhật Bác (19/5) năm sau thì hoàn thành. Đồng thời sau đó có kế hoạch cho quần chúng chuẩn bị tinh thần đấu tranh chính trị, võ trang để gìn giữ bảo vệ đền thờ Bác.

          Ngay sau khi đi dự họp huyện ủy mở rộng về, xã ủy An Thạnh Nhì mở hội nghị xã bàn sâu về vấn đề này. Xã ủy tham khảo ý kiến của Dân vận, Mặt trận về việc chọn địa điểm và mô hình xây dựng, đại đa số đại biểu chọn xóm 6, ấp Nguyễn Công Minh làm địa điểm dựng đền thờ, vì đây là trung tâm của xã, đây còn là nơi có địa hình phức tạp, giặc khó đánh phá… còn mô hình lấy theo kiểu nào thì xin ý kiến mọi người, nhất là các đại biểu lớn tuổi góp ý nên xây theo kiểu đền miếu trong dân gian Nam bộ, tức một gian hai chái bát dần, nhiều đại biểu góp ý là do hoàn cảnh chiến tranh, vật chất eo hẹp, tạm thời xây bằng vật liệu tre lá, chủ yếu là có nơi  để thờ cúng Người, nếu sau này nước nhà độc lập, ta sẽ xây dựng kiên cố và to đẹp hơn. Còn về kích thước lớn nhỏ rộng hẹp thì bây giờ còn tuỳ vào sự quyên góp tiền bạc của nhân dân mà quyết định. Sau hội nghị, các đồng chí còn có thêm cuộc họp để thành lập ban xây dựng đền thờ Bác, ban này gồm có:    
             - Đồng chí Trần Văn Dẫn, xã uỷ viên - Trưởng ban,
             - Đồng chí Nguyễn Huy Hoàng, chi bộ ấp - Phó ban.

          Các thợ mộc là các ông: Phùng Văn Lợi, Trần Văn Hận, Phạm Ngọc Nâu, Huỳnh Hữu Lộc, Lý Văn Trông, Hồng Văn Hiệp… trong số này có người còn phải lo thêm việc hậu cần, quyên góp tập trung vật liệu cho thi công. Cũng trong những người thợ này đã vẽ ra bản thiết kế (vẽ đơn giản thôi) rồi đem thông qua lãnh đạo xã, huyện, sau khi thống nhất ý kiến, mới chọn ngày tiến hành.
Công việc vận động và chuẩn bị ròng rã mấy tháng trời, cho tới ngày kỷ niệm 40 năm tuổi Đảng (3/2/1930 – 3/2/1970) mới chính thức thi công.

          Để công việc xây dựng đền thờ Bác không gặp trở ngại do các cuộc càn quét đánh phá của địch, những ngày bắt đầu thi công cũng là những ngày huyện đội tập trung du kích các xã cù lao về phối hợp cùng bộ đội địa phương quân huyện xuống và bao vây phân chi khu Rạch Tráng. Tuy nhiên, do máy bay, tàu chiến liên tục đánh phá nên các tay thợ phải làm vào buổi chiều và ban đêm. Dù vậy, anh em thợ và nhân dân trong ấp làm việc với tinh thần nhiệt tình, khẩn trương. Có lần máy bay ném bom vừa đi qua, anh em từ dưới hầm trú ẩn lên, cứ để mình mẩy bùn sình mà làm. Ngay thời điểm thi công này, ta phát hiện căn nhà của một địa chủ chạy ra vùng địch còn bỏ lại vách nhà tuy hư mục, nhưng cây gỗ còn sử dụng được. Ta lấy ngay số cây gỗ, cột, kèo này để dùng. Khi sườn Đền xong một bước, bà con cô bác từ từ chở cây lá tới thêm. Đước, tràm, tre được anh em thanh niên đốn, đẽo, gọt sẵn chở đến, lá dừa nước cũng được chị em phụ nữ đốn chằm sẵn ở nhà rồi chở lại. Làm thế vừa không tập trung đông người, tránh bom pháo, vừa tranh thủ thời gian để công việc nhanh hơn. Xuất phát từ lòng kính yêu Bác Hồ, bà con An Thạnh Nhì không quản ngày đêm cực nhọc, cố sao cho ngôi đền được hoàn thành vào dịp mừng sinh nhật Người (19/5/1970).

          Ngày 19/5 năm ấy, tại ấp Nguyễn Công Minh, An Thạnh Nhì hàng ngàn người về họp khánh thành đền thờ Bác, có đủ mặt cán bộ tỉnh, huyện, xã và nhân dân 3 vùng cù lao, bất chấp mọi nguy hiểm do bom đạn pháo thù có thể bất thần trút xuống nơi này. Ngôi đền hoàn thành đúng thời gian dự định là nhờ sư tận tuỵ, quyết tâm của ban vận động, đứng đầu là các đồng chí Nguyễn Thanh Nhã, bí thư xã uỷ, đồng chí Trần Minh Dẫn - chỉ huy phụ trách, đồng chí Nguyễn Huy Hoàng - bí thư chi bộ ấp Nguyễn Công Minh tích cực vận động bà con trong ấp góp sức. Ngôi đền hoàn thành còn có sự đóng góp của nhân dân xã An Thạnh Nhì và các xã vùng cù lao, có cả phần tiền của nhân dân thị trấn Long Phú, vùng kềm của địch…
 http://soctrang.edu.vn/dtlsst/image003.jpg

          Thời điểm đền thờ Bác lập xong cũng là lúc Mỹ Nguỵ thay đổi chiến lược "Chiến tranh cục bộ" sang "Việt Nam hoá chiến tranh". Do đó, lời đồng chí Bảy Bộ, Bí thư huyện uỷ nói lúc ban đầu: “Lập Đền thờ tuy khó nhưng việc giữ gìn, bảo vệ Đền thờ Bác lại càng khó khăn hơn” dần trở thành sự thật. . Kế hoạch ban đầu của chúng là bình định cấp tốc, mở càn quét lấn chiếm, tái chiếm những vùng nông thôn căn cứ cách mạng. Sau một bước thực thi ở vùng Hồng Dân, Thạnh Trị, Châu Thành, Mỹ Xuyên,… địch bỏ mũi dùi qua các xã vùng cù lao Long Phú, trong đó xã An Thạnh Nhì là nơi chúng tập trung chú ý nhiều nhất. Đầu tiên chúng đưa quân càn quét dài ngày và đóng đồn Kinh Đình Trụ, kế tiếp là các đồn Bến Bạ Nhỏ, Bà Kẹo, Rạch Kè, Rạch Ngay, Đường Xuồng, Đặng Trung Tuyến,… và sau cùng là đồn Vàm Tắc (Lòng Đầm), Rạch Chồn. Đặc biệt hai đồn này án ngữ hai đầu sông Lòng Đầm, đồn Vàm Tắc cách đền thờ Bác chỉ 1.800 m, còn đồn Rạch Chồn chỉ cách đền thờ 800m. Tên trung uý Nhàn, trưởng đồn chỉ huy trung đội bảo an, vốn là tên ác ôn khét tiếng ở đây, đã dẫn lính đi lùng sục đốt phá nhà cửa của nhân dân trong xã. Một lần chúng kéo đến đền thờ Bác Hồ, cả bọn hết sức ngạc nhiên, tại sao tại một vùng cù lao sông nước xa xôi này lại mọc lên một đền thờ Bác Hồ? Việt cộng chủ trương hay bà con tự lập? Dù ai chủ trương đi nữa thì chúng cũng phải phá. Đầu tiên chúng hạch sách bà con: “Ai là người đầu đảng bày ra việc lập đền thờ Ông Hồ?” (chúng gọi Ông Hồ chứ không dám xúc phạm gọi bằng cách gọi khác). Hôm ấy, dân trong ấp kéo lại hàng chục người, trong đó có Bà Giáo Tiền (tức Tô Thị Tốt), bà Hai Luỹ, Hai Kỳ cùng tham gia, một người đứng ra nói: “Không ai cầm đầu cả, đây là sự biết ơn của bà con đối với cụ Hồ, vì Cụ đã đem cơm áo, ruộng đất cho nhân dân trong đánh Pháp năm xưa, hôm nay cụ Hồ mất, nên nhân dân lập đền để thờ”. Chúng hỏi: “Ai đứng ra xây cất?” Bà con đồng thanh trả lời: “Dân trong ấp đồng lòng đứng ra xây cất”. Chúng nhào tới đánh đập, bà con không nao núng cứ một mực như vậy mà nói. Không đàn áp, hù doạ được, chúng xoay qua đòi đốt đền thờ, bà con cương quyết ngăn lại, với lý lẽ: “Đền ở đây đất sát bên nhà chúng tôi, các ông đốt rồi cháy lan đến nhà cửa rồi sao? với lại từ xưa đến nay không có ông quan nào lại đốt đền miếu, nơi thờ thần thánh… người khác tiếp: chỉ có giặc giã mới làm như vậy mà thôi. Tên ác ôn đuối lý, nạt bà con giải tán rồi ra lệnh rút lui.

           Lần sau rồi nhiều lần khác nữa, không bọn đồn này thì bọn lính khác cũng hạch sách, hăm he đốt phá, nhưng với sự mưu trí và lý lẽ đấu tranh sắc bén bà con ấp Nguyễn Công Minh đã kịp thời ngăn chặn bàn tay phá phách của kẻ thù. Bà con còn khéo léo đưa tin tác động tâm lý chúng: “Đứa nào đụng đến đền thờ là chết chẳng toàn thây”! Vậy là bọn lính sợ oai linh của Bác nên từ đó bớt hung hăng và ít có tên nào đụng phá đến đền thờ.

           Nhờ sự kiên trì, và với những lời lẽ có tình, có lý của bà con trước quân giặc mà đền thờ Bác Hồ được giữ an toàn đến ngày An Thạnh Nhì hoàn toàn không còn bóng giặc. Cần nói thêm là trong thời gian đồn giặc kề bên, nhưng hương khói trong đền thờ không lúc nào ngưng. Mỗi sáng, bà con đi làm đều ghé ngang, người cái bánh, người ít trái cây trong vườn nhà đem tới cúng rồi đốt nén nhang cắm lên bàn thờ Bác. Buổi tối, cũng có người đi lại đốt nhang, cán bộ chiến sỹ đi, về ghé lại cũng vậy… Sau hiệp định Paris năm 1973, có lúc bọn lính đồn đi ngang chúng cũng ghé đốt nhang cho Bác, chúng luôn gọi Cụ Hồ, Ông Hồ, Ông Cụ chứ không dám xưng hô  bằng tên nào khác vì trong tâm thức chúng cũng luôn luôn kính nể Bác Hồ - vị cha già của dân tộc.

        Đền thờ Bác Hồ hoàn thành vào ngày 19/5/1970, đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975 thì chỉ còn thiếu 19 ngày nữa là tròn 05 năm. Theo thời gian và chiến tranh, đền được bảo quản tốt nhưng cũng hư hỏng nhiều. Một phần quan trọng là do vật liệu xây dựng lúc đó nhiều cái quá đơn sơ, đến sau ngày giải phóng thì xuống cấp. Thời gian những năm đầu giải phóng, Đảng và Nhà nước còn nhiều việc phải làm nên Đền thờ chỉ được sửa chữa nhỏ, nóc lợp lá, dột thì dở ra lợp lại, cột kèo đòn tay cây nào hư thì thay cây ấy. Mãi đến năm 1989, sau vài lần đưa khách về thăm đền thờ, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh có cuộc họp các cấp lãnh đạo huyện Long Phú: phải lo việc trùng tu đền thờ Bác Hồ. Như đúng tâm nguyện của bà con và cán bộ, chiến sĩ ngày xưa từng ước: khi nào hoà bình độc lập sẽ xây lại một đền thờ Bác to và đẹp hơn. Cũng chính từ ý kiến này mà khi Tỉnh uỷ -  UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành văn hoá thông tin đưa đoàn khảo sát xuống tại Đền, cấp kinh phí trùng tu xây lại chứ không phải là phục chế. Từ đó đền thờ được thay đổi hoàn toàn vật liệu. Từ gỗ, tre lá nay thay bằng gạch ngói, xi-măng, cốt thép… Mặc dù, hình dáng ngôi đền còn nguyên trạng.

        Qua gần hai tháng thi công (từ ngày 25/4 đến 15/6/1990), do sự chỉ đạo của Huyện uỷ, UBND huyện, chính quyền xã An Thạnh Nhì cùng vận động đóng góp hàng trăm ngày công của nhân dân, đền thờ Bác Hồ được trùng tu theo dạng kiên cố, hoàn thành đúng thời gian dự định, để nhân dân hân hoan kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của vị cha già dân tộc, vị lãnh tụ vĩ đại và được UNESCO phong tặng là Danh nhân văn hoá thế giới.
       
        Ngày 19/5/1990, để chào mừng ngày lịch sử trọng đại này, huyện uỷ, UBND huyện Long Phú cùng chính quyền xã An Thạnh Nhì tổ chức lễ khánh thành công trình trùng tu đền thờ Bác. Cuộc lễ được tổ chức tại đền thờ Bác vừa xây dựng, có trên 2.000 đồng bào và cán bộ chiến sỹ trong huyện về dự, trong đó có hàng trăm khách mời. Đồng chí Chủ tịch UBND huyện đọc bài diễn văn nói về sự thành công của công trình trùng tu đền thờ, biểu dương công trạng đồng bào, cán bộ đã góp công góp của để hoàn thành công trình. Đồng thời, công bố tổng kinh phí của công trình này (trên 35 triệu đồng), trong đó kinh phí và công sức của nhân dân huyện nhà đóng góp tổng qui thành tiền hơn chục triệu đồng.

         Qua bao năm tháng tạo dựng và kiên trì, dũng cảm đấu tranh gìn giữ đền thờ Bác, giờ đây người dân An Thạnh Nhì nói riêng, nhân dân Long Phú - Cù Lao Dung (Sóc Trăng) nói chung có quyền tự hào là: giữa vùng sông nước cù lao, giữa Lòng Đầm, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đứng oai nghiêm sừng sững, làm nao nức bao tấm lòng của người dân nơi đây.

         Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xóm 6, ấp Nguyễn Công Minh, xã An Thạnh Nhì, huyện Long Phú, nay là xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng là một kiểu kiến trúc cổ dân gian: “Một gian, hai chái bát dần tứ tượng”, được xây dựng xong lần đầu tiên ngày 19/5/1970. Phạm vi đền được khoanh trên một phần đất có diện tích 6.678 m2. Từ xa nhìn, ta thấy ngôi đền lợp ngói đỏ uy nghi thoáng mát. Cửa Đền trông về hướng Tây, đền có chiều ngang 5,6 m; chiều rộng 8 m; chiều cao (từ đòn dông xuống mặt đất) là 4,75 m, từ mái hiên xuống mặt đền là 2,65 m. Đền có 4 cột chính hình tròn với đường kính 0,25 m; 12 cột phụ bao bọc bốn cạnh; cột vuông (0,20 x 0,20 m). Trước đây, ngôi đền chỉ bằng vật liệu cây lá thô sơ, từ đợt trùng tu năm 1990, được xây lại kiên cố bằng gạch ngói và ciment cốt thép. Toàn ngôi đền chỉ có đòn tay, rui, mè bằng gỗ thao lao, còn lại toàn bộ là xi-măng cốt thép. Mái đền lợp ngói móc, nền lát gạch tàu, và gạch bông (gạch bông chỉ lát phần khoảng vuông ở giữa - chỗ đặt bệ thờ Bác). Một vách tường ngăn đôi đền ra làm hai phần, phần phía trước chiếm 3/4 diện tích, dùng để đặt bệ thờ và tụ họp cúng kiếng của dân làng, phần sau còn lại 1/4 diện tích dùng để chứa đồ dùng… Bốn cạnh bao quanh đền được xây lan can cao 0,90m. Cửa chính rộng 2,60 m trừ hai lan can ngắn hai bên 1,10m, lối vào còn lại 1,50m. Bệ thờ Bác là một khối chữ nhật cao 1,28 m, chiều ngang (mặt chính) 1,60 m, rộng 1,28 m. Mặt bệ thờ ta thấy hai viền tròn nhỏ thẳng đứng hai bên, còn lại chính giữa là một mặt phẳng vòm cánh cung, sơn màu đen, có hoa văn ở giữa sơn trắng. Trên đầu bệ thờ có thêm bậc tam cấp nhỏ, lát gạch men trắng, hồng nhạt. Trên cùng đặt tượng Bác bằng thạch cao trắng.
               
Trong đền, trên 4 cột chính có hai câu đối, nền sơn chữ đen trắng, cặp ngoài viết:
              “Chí khí tráng sơn hà, anh hùng cứu nước duy hữu nhất, Minh tinh quang vũ trụ, Á Âu hào kiệt thị vô song”.
              Cặp đối ở hai cột trong viết:
         “Vô cùng thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.
Ở mảng tường chính, sau bệ thờ Bác là hai cờ Đảng và cờ nước, kẻ bằng sơn liền nhau, hai đà dọc hai bên có hai tấm biển đề hai khẩu hiệu: “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”; “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

        Ở sau bức tường còn có các bản kẻ trên mặt tường về danh sách ban xây dựng đền vào năm 1970, ban trùng tu đền năm 1990. Trích dẫn lời Bác và những nét tiêu biểu có liên quan về ngôi đền. Dưới đây là một vài mẩu:
         “… Ngày 2/9/1969, Bác Hồ, vị cứu tinh của dân tộc ta không còn nữa, nhưng Bác vẫn sống trong lòng người dân Việt Nam. Đền thờ Bác Hồ tại ấp Nguyễn Công Minh là tấm lòng của Đảng bộ và nhân dân Long Phú, nhân dân An Thạnh Nhì, nhân dân Nguyễn Công Minh…”
        “… Qua nhiều năm tháng đứng giữa đất trời, đền thờ Bác Hồ bị hỏng theo chiến tranh và thời gian. Để ngôi đền được vững chãi giữa lòng dân, Đảng bộ và nhân dân huyện Long Phú cũng như xã An Thạnh Nhì, quyết tâm trùng tu phục chế lại đền thờ trên nền cũ. Đây là tấm lòng của người dân mừng sinh nhật Người, nhân dịp Người tròn 100 tuổi…”

       Cũng ở mảng tường này, còn có các bảng ghi lại thành tích của quân dân xã An Thạnh Nhì, ấp Nguyễn Công Minh trong hai cuộc kháng chiến và trong xây dựng hôm nay…

        Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị đặc biệt - đó là tấm lòng của người dân, cán bộ và chiến sỹ huyện Long Phú - Cù Lao Dung và tỉnh Sóc Trăng đối với Bác. Tấm lòng đó được minh chứng giữa thời kì kháng chiến ác liệt, trong vòng kềm kẹp của địch… vậy mà khi nghe tin Bác Hồ từ trần đã lập ngay đền thờ Bác dù chỉ là cây lá đơn sơ để tưởng nhớ công ơn trời biển của vị cha già kính yêu. Tấm lòng đó đã bất chấp bom đạn, bất chấp dùi cui và báng súng của kẻ thù. Hàng trăm con người đã tham gia bao vây đồn bót, ngăn chặn bọn giặc từ phân chi khu Rạch Tráng vào phá phách cho mọi người yên tâm xây đền, hàng trăm người khác tham gia đấu tranh trực diện, kiên quyết ngăn chặn bàn tay đốt phá, khủng bố của bọn địch Vàm Tắc (Lòng Đầm), Rạch Chồn và bao nhiêu đồn khác, làm chùn bước chân hung hãn của tên trung uý Nhàn, tên ác ôn khét tiếng trong vùng. Đó là tấm lòng sắt son, chung thuỷ, kiên quyết giữ vững ngôi đền đến ngày toàn thắng cũng như họ đã giữ trọn tấm lòng mình trong sạch với Đảng cho đến ngày hôm nay. Một vinh dự lớn đến với Đảng, quân và dân An Thạnh Nhì (nay là An Thạnh Đông), ngày 28/12/2001 Đền thờ Bác Hồ được Bộ Văn hóa - Thông tin quyết định công nhận là Di tích Lưu niệm Danh nhân cấp quốc gia, theo Quyết định số: 53/2001/QĐ - BVHTT.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lịch sử Đảng bộ huyện Long Phú (1930 - 1975).
2. Lịch sử truyền thống Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng (1960-1975).
3. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng (tập hai) thời kỳ chống Mỹ.
4. Bài Phát biểu của cố chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lê Thanh Bình năm 1995.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Thư viện ảnh
Tài liệu
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2
Hôm qua : 34
Tháng 11 : 865
Tháng trước : 1.080
Năm 2023 : 10.520
Năm trước : 29.873
Tổng số : 68.345